Hỗ trợ sinh kế, tìm việc làm cho hơn 9 nghìn người cai nghiện

31/01/2024 17:44

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2023, số người đã cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ quản lý sau cai là 17.586 người (trong đó 9.033 người được hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế, vay vốn phát triển sản xuất...).

Hỗ trợ sinh kế, tìm việc làm cho hơn 9 nghìn người cai nghiện- Ảnh 1.

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội khảo sát mô hình lao động trị liệu cho học viên tại Cơ sở điều trị nghiện ma tuý tỉnh Sơn La

Theo số liệu của Bộ Công an, hiện nay, cả nước có khoảng trên 170 nghìn người nghiện ma túy; khoảng trên 43 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó, số người sử dụng trái phép chất ma túy có Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy khoảng trên 34 nghìn người (chiếm 79%, tăng 16% so với năm 2022).

Tính đến 31/12/2023, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 13 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập; 444 đơn vị/36 tỉnh, thành phố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 100% tỉnh, thành phố thực hiện quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

Trong năm 2023, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 82.725 người; cơ sở cai nghiện ngoài công lập điều trị, cai nghiện cho 3.296 người; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 4.275 người; duy trì tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 4.128 người nghiện ma túy; số người đã cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ quản lý sau cai là 17.586 người (trong đó 9.033 người được hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế, vay vốn phát triển sản xuất...).

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), để hỗ trợ người nghiện cai nghiện thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trước tiên là sự quyết tâm, nghị lực của chính bản thân người nghiện ma túy, sự chung tay, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng; cùng với sự quan tâm đầu tư nguồn lực, các chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự tận tình, hướng dẫn, giúp đỡ của viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy…. 

Qua kiểm tra tại các địa phương cho thấy, sự quan tâm đầu tư nguồn lực của lãnh đạo các cấp ở địa phương đối với công tác cai nghiện ma túy là nhân tố quan trọng trong việc giúp đỡ người nghiện ma tuý cai nghiện thành công trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng.

Ở những địa phương, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ khi phát hiện người sử dụng, người nghiện ma túy, đến khi cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng dưới nhiều hình thức như: Tư vấn, hỗ trợ cai nghiện, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm… thì ở địa phương đó có kết quả cai nghiện ma túy đáng ghi nhận, như: Sơn La, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Sau 2 năm tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ tiến hành đánh giá cụ thể và đề xuất giải pháp, nhân rộng mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác cai nghiện ma túy để trình Bộ LĐTB&XH hướng dẫn các địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để có thể áp dụng.

Hoàng Giang

Top