Người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã giảm

15/04/2020 18:00

Giai đoạn 2010-2015, trong số 10 tội danh phổ biến nhất do người chưa thành niên thực hiện, trừ các tội trộm cắp và tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tăng, số bị can chưa thành niên bị khởi tố về các tội danh còn lại đều giảm, giữ ở mức ổn định, hoặc tăng không đáng kể.

Báo cáo nghiên cứu pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam (năm 2019) được thực hiện nhằm đánh giá những thay đổi trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật (NCTNVPPL), tình hình NCTNVPPL và thực tiễn áp dụng pháp luật về tư pháp người chưa thành niên trong giai đoạn 2006-2018, trên cơ sở đó  đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa, xử lý, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên trong thời gian tới.

Giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng. Ảnh internet

Báo cáo nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thuộc Dự  án “Tăng cường tiếp cận tư pháp và bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật” do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.

Báo cáo cho thấy, theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong hơn một thập kỷ vừa qua, mỗi năm trung bình có khoảng 8.300 vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện, khoảng 13.000 người chưa thành niên bị xử lý vi phạm hành chính và hình sự mỗi năm. Năm 2017, tỷ lệ NCTNVPPL là khoảng 26 em trên 100.000 dân số dưới 18 tuổi. Cũng theo nguồn số liệu này, tình hình NCTNVPPL trong thập kỷ qua nhìn chung đã được cải thiện. Số NCTNVPPL, cả vi phạm hành chính lẫn phạm tội hình sự, đã giảm gần 60% từ 16.446 em trong năm 2006 xuống còn 6.632 em năm 2018. Tương tự như vậy, trong giai đoạn này số vụ vi phạm pháp luật có người vi phạm là người chưa thành niên đã giảm hơn 57%, từ 10.468 vụ năm 2006 còn 4.441 vụ năm 2018. Số vụ vi phạm hành chính do người chưa thành niên thực hiện giảm mạnh (66%), còn số vụ phạm pháp hình sự của người chưa thành niên giảm với tốc độ chậm hơn nhiều (35%).

Tuy nhiên, số liệu nêu trên chưa phản ảnh hết tình hình NCTNPPL bị xử lý vi phạm hành chính, và do đó cũng chưa đưa ra được bức tranh đầy đủ về tình hình NCTNVPPL. Đó là vì thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được pháp luật giao cho rất nhiều cơ quan, cá nhân, bao gồm chủ tịch ủy ban nhân dân cách cấp, công an các cấp, và nhiều cơ quan hành chính nhà nước khác. Riêng thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mang tính chất tước tự do, trong đó có biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, thuộc về tòa án nhân dân. Do có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như vậy, việc thống kê, tổng hợp, báo cáo, số liệu về xử lý vi phạm hành chính luôn luôn gặp rất nhiều khó khăn và khó bảo đảm đầy đủ, toàn diện. Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, từ năm 2014 các số liệu về xử lý vi phạm hành chính đối với NCTNVPPL đã được thu thập và báo cáo đầy đủ hơn, đặc biệt là người chưa thành niên bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Số liệu do Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, đưa ra cho thấy số NCTNVPPL bị xử lý vi phạm hành chính lớn hơn rất nhiều. Cụ thể là trong giai đoạn 2014-2017, trung bình mỗi năm có khoảng 12.000 người chưa thành niên bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng.

Nguồn số liệu từ Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cũng cho thấy một sự tăng vọt về số NCTNVPPL áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong hai năm 2015-2016. Tuy nhiên, theo điều đó không có nghĩa là tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính trong giai đoạn này gia tăng. Cần lưu ý rằng trong năm 2014, việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính bị chững lại do Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã đưa ra nhiều quy định mới liên quan đến xử lý vi phạm hành chính đối với NCTNVPPL, đặc biệt về thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. Việc chuyển đổi thẩm quyền, làm quen với các thủ tục mới đã khiến cho việc áp dụng các biện pháp này chững lại trong năm 2014, và nhiều hồ sơ xử lý bị dồn lại thực hiện trong các năm sau đó. Cần tiếp tục theo dõi trong những năm tới thì mới có thể đánh giá chính xác về xu hướng tăng giảm trong vi phạm pháp luật hành chính của NCTN.

Những phân tích trên cho thấy một nhu cầu cấp thiết phải có một hệ thống thống kê về tư pháp người chưa thành niên thống nhất, tích hợp các số liệu NCTNVPPL hành chính lẫn người chưa thành niên phạm tội từ những nguồn số liệu ổn định và đáng tin cậy.

Phần lớn vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện là vi phạm hành chính, trung bình chiếm gần 63% trong tổng số vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện trong giai đoạn từ năm 2006-2018. Trong giai đoạn này, số vụ vi phạm hành chính do người chưa thành niên thực hiện giảm mạnh (66%), trong khi số vụ phạm tội hình sự của người chưa thành niên giảm với tốc độ chậm hơn nhiều (gần 35%). Điều đó khiến cho tỷ trọng các vụ phạm tội hình sự trên tổng số vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện lại tăng lên. Nếu như năm 2006, gần 73% vi phạm pháp luật của người chưa thành niên là vi phạm hành chính, 27% là phạm tội hình sự, thì đến năm 2018, tỷ lệ này là 58% vi phạm hành chính và 42% phạm tội hình sự.

Theo số liệu của Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong giai đoạn 2011-2015, gần 71% bị can chưa thành niên bị khởi tố về một trong 4 tội danh gồm: trộm cắp tài sản (34%), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (16,8%), cướp tài sản (11,9%), và cướp giật tài sản (8,1%). Ngoài ra còn 6 tội danh khác cũng phổ biến nhưng ở mức độ thấp hơn rất nhiều, bao gồm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (4,8%), giết người (4,6%), vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ (3,2%), đánh bạc (2,6%), hiếp dâm trẻ em 2,6%, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (1,7%).

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng số người chưa thành niên bị khởi tố giảm hơn 23%. Phân tích cơ cấu 10 tội danh phổ biến nhất do người chưa thành niên thực hiện trong giai đoạn này cho thấy tỷ lệ người chưa thành niên phạm các tội trộm cắp tài sản và tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt trái phép chất ma túy, tính trên tổng số người chưa thành niên bị khởi tố có xu hướng tăng. Tỷ lệ người chưa thành niên bị khởi tố về 8 tội danh còn lại trên tổng số người chưa thành niên bị khởi tố nhìn chung giảm, giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể.

Khoảng 96% NCTNVPPL là nam. Đa số NCTNVPPL thuộc nhóm tuổi 16 đến dưới 18. Trái với những nhận định từ các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều diễn đàn cho rằng NCTNVPPL ngày càng trẻ hóa, số NCTNVPPL dưới 14 tuổi chiếm tỷ lệ nhỏ và có xu hướng giảm từ gần 9% vào năm 2006 xuống còn gần 5% vào năm 2018.

Khoảng 85% NCTN bị khởi tố là dân tộc Kinh, còn lại khoảng hơn 15% thuộc các dân tộc ít người. Tuy nhiên, điều này không đáng ngạc nhiên vì dân tộc Kinh chiếm gần 86% tổng dân số. Tỷ trọng NCTN thuộc dân tộc ít người trên tổng số NCTN bị khởi tố có xu hướng tăng nhẹ trong những năm vừa qua. Gần 24% NCTNVPPL không biết chữ hoặc chỉ học tiểu học. Gần 48% NCTNVPPL đã thôi học. Tỷ lệ này là rất cao so với tỉ lệ không đi học của NCTN ở bậc trung học cơ sở là 7,2% và bậc trung học phổ thông là 27,7%.

Đa số NCTNVPPL là vi phạm lần đầu. Trong giai đoạn 2011-2018, số NCTNVPPL từ 2 lần trở lên giảm rất mạnh so với giai đoạn 2006-2010. Nhiều NCTN vi phạm pháp luật do đồng phạm với người đã thành niên, kể cả với chính cha mẹ mình. Gần 21% NCTN bị khởi tố có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi như có bố hoặc mẹ đã bị phạt tù hoặc đang bị giam giữ, cải tạo, bố mẹ ly dị, không có bố hoặc có mẹ, hoặc đi lang thang.

Top